Hoằng Tân là một trong số mười tám xã vùng Đông Nam huyện Hoằng Hóa, cách huyện lỵ khoảng hơn 10km, được hình thành một khu dân cư thôn xóm trên những bãi cồn cao, gò nổi ở Bắc hạ lưu ven bờ sông Mã và được bao quanh: phía Đông, phía Bắc giáp xã Hoằng Châu; phía Tây giáp xã Hoằng Trạch; phía Nam giáp huyện Quảng Xương.
Địa hình của xã Hoằng Tân một phần có đê sông Mã bao bọc đã tạo nên một cảnh quan và cuộc sống tương đối ổn định từ xưa đến nay. Đồng ruộng canh tác chủ yếu là đất phù sa sông Mã bồi đắp phần lớn là cát pha, so với khu vực là thấp và trũng nên gặp khá nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp mỗi khi mưa bão, lũ lụt kéo dài. Điều kiện sản xuất một năm hai vụ trước đây (vụ chiêm và vụ mùa), cây trồng chủ yếu là cây lúa, khoai lang, ngô, đậu, lạc, vừng, ngoài ra có cây thuốc lào là một loại hoa màu chủ lực, như là loại cây truyền thống trong sản xuất của địa phương. Trước đây còn có nhiều nhà nông còn trồng bông, trồng dâu nuôi tằm để kéo sợi ươm tơ dệt vải. Có một số hộ cấy cư, ngụ cư từ nơi khác đến địa phương sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt tôm cá ven sông dọc các bến bờ trước làng Trung Hòa và Đồng Lòng. Tuy vậy, cái cảnh nghèo khó thời kỳ trước cách mạng của địa phương còn là cái tên xã Tân Dân, bấy giờ nó vẫn theo đuổi vì người còn ít, đất đai khai phá chưa nhiều, cuộc sống còn phụ thuộc vào thiên nhiên, có lúc như do trời định mệnh.
Trước Cách mạng tháng 8, các làng trong xã thuộc tổng Bái Trạch. Thôn Đồng Lòng xưa còn gọi là Đồng Lung (về sau là Đồng Lòng), làng Cẩm Vinh gọi là Cẩm Tú, làng Cẩm Trung vẫn giữ nguyên tên làng ngày nay, làng Bột Trung là Bột Thái, còn làng Trung Hòa khi mới khai phá các cụ trong làng tự đặt cái tên là Trung Lưu.
Đầu năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định lấy xã làm đơn vị hành chính cấp thứ tư, bỏ tổng là cấp trung gian. Trên cơ sở đó, toàn huyện Hoằng Hóa được chia thành 54 xã mới. Năm 1947, đáp ứng yêu cầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, huyện Hoằng Hóa được sát nhập từ 12 xã lớn, trong đó có xã Liên Châu - xã Tân Dân lúc đó là một trong số các đơn vị hành chính thuộc xã Liên Châu. Đến cuối năm 1949, xã Liên Châu lại chia thành 2 xã gồm Hoằng Châu và Hoằng Phong (Hoằng Châu có Tân Dân, Hoằng Phong có Hoằng Lưu).
Cuối năm 1953, trước khi tiến hành cuộc cải cách ruộng đất ở Miền Bắc, Hoằng Châu lại chia ra 2 xã nhỏ gồm Hoằng Châu và Hoằng Tân. Từ đó xã Hoằng Tân lại trở về vị trí địa lý cũ trước đây của Tân Dân và cho đến nay 5 làng trong xã là Trung Hòa, Cẩm Trung, Bột Trung, Cẩm Vinh và Đồng Lòng đã gần 57 năm gắn bó, đoàn kết chung sức chung lòng vừa sản xuất vừa chiến đấu xây dựng quê hương, ổn định và phát triển trong mọi lĩnh vực dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã nhà.
 

 

Công khai kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
294197